Chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ 4.0, với ngành gia công cơ khí là kỷ nguyên của mô hình 3D hóa sản phẩm. Các công ty phần mềm CAD/CAM vẫn không ngớt lời ca ngợi môi trường làm việc 3D trên sản phẩm mà mình cung cấp.

Gia công khuôn tại CNCTech

Bản thân tôi khi mới chập chững bước vào con đường 3D cũng thấy sao mà nó mạnh mẽ quá, uy lực quá rồi cũng nghĩ rằng đúng là việc sản xuất có thể tích hợp từ CAD đến CAM trên môi trường điện toán 3D mà không cần dùng bản vẽ giấy, đó là một điều thật tuyệt vời và tiết kiệm.

Ngẫm lại rồi lại vu vơ nghĩ “Chà! Sau này các em sinh viên sẻ không phải bút chì, cục tẩy, thước, compa,… để cặm cụi suy nghĩ vẽ các hình chiếu 2D để vẽ lại ở môn thực hành vẽ kỹ thuật mà trước đây tôi phải học 2 lần mới qua, nghĩ lại thôi mà đầu óc tôi vẫn còn đang quay cuồng”.

Nhưng thực ra trên lí thuyết thì đúng như vậy và trên thực tế cũng đã có một số doanh nghiệp triển khai mô hình làm việc kiểu “paperless” này nhưng chưa phải là quá phổ biến. Vì vậy, cái việc mà tôi cho là hành xác lẫn nhau theo kiểu người thiết kế tỉ mỉ xuất bản vẽ 2D cho người khác cặm cụi dựng lại 3D vẫn diễn ra khá phổ biến.

Sau khi tìm hiểu, tôi thấy có một số nguyên nhân mà người ta vẫn tỉ mỉ xuất 2D và dùng bản vẽ 2D để làm tài liệu gia công:

Thứ nhất, bản vẽ 2D vẫn là ngôn ngữ chung nhất và là phương tiện giao tiếp hữu hiệu trong phạm vi một công ty hay với các công ty khác. Nó chính là đại diện cho sự xác nhận. Ví dụ khi gia công trên máy công cụ, để biết chuẩn gia công và kích thước phôi, dùng bản vẽ 2D sẽ nhanh hơn và đỡ tốn kém hơn việc mua thêm một license bản quyền phần mềm 3D chỉ để làm công việc này. Và việc xác nhận bản vẽ cũng nhanh hơn.

Thứ hai, không phải tất cả mọi việc thiết kế và gia công đều cần dùng 3D. Dễ thấy nhất là việc gia công lỗ những tấm khuôn, mặt bích,…. Chỉ cần 1 bản vẽ 2D với các tọa độ cho trước là việc lập trình gia công có thể tiến hành ngay trên máy CNC (tất nhiên là số lượng lỗ vừa phải và đủ đơn giản).

Thứ ba, tính lưu hành và xác thực nội dung thông tin. Một bản vẽ được in ra và kí tên, đóng dấu chắc chắn có hiệu lực pháp lí cao hơn một mô hình 3D có thể bị “thay đổi theo tham số” bất cứ lúc nào. Tất nhiên, nếu dùng giải pháp PDM hoặc PLM, sự thay đổi này dễ dàng được kiểm soát nhưng như tôi đã nói ở trên, chưa có nhiều công ty áp dụng kiểu sản xuất paperless nên bản vẽ giấy vẫn là lựa chọn hàng đầu.

Phòng Lập trình khuôn tại CNCTech

Thứ tư, mô hình 3D đôi khi là một tài sản mang giá trị sở hữu trí tuệ (mang trong bản thân nó những tính toán, phân tích, phương pháp dựng hình …). Vì vậy, nhiều công ty sẽ không đưa trực tiếp cho đối tác mà thường xuất ra bản vẽ 2D hoặc mô hình 3D dạng phi tham số (đổi đuôi không cho biết lệnh vẽ như .step, .stl,…) chỉ gồm những đối tượng hình học như điểm, đường, mặt mà thôi.

Thứ năm, khi giao sản phẩm cho đối tác gia công, bạn không thể nói gia công giống với hình dạng 3D mà phải chỉ ra cụ thể đâu là kích thước kiểm soát, kích thước tham khảo, dung sai bao nhiêu, độ cứng thế nào, … Trong những tình huống như vậy, nói chuyện bằng bản vẽ 2D sẽ hữu hiệu hơn rất nhiều (dù model 3D vẫn đưa cho đối tác để bảo đảm profile gia công).

Thứ sáu, một sản phẩm được đưa vào gia công thì cần phải qua nhiều công đoạn. Để người nhân viên sản xuất, nhân viên QC có thể gia công chính xác và đo kiểm sản phẩm thì lại phải cần một bản vẽ 2D để lấy các thông số tham chiếu để thực hiện đo kiểm và kiểm soát chất lượng của sản phẩm.

Tổng kết những phân tích ở trên cho ta thấy, dù mô hình 3D rất phát triển và cần thiết tuy nhiên bản vẽ 2D vẫn là thứ khó có thể thay thế trong việc gia công bởi những lợi ích mà nó đem lại.