Trong loạt bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu chi tiết về ngành xử lý nhiệt tại Việt Nam. Xử lý nhiệt và xử lý bề mặt (mạ, sơn, đánh bóng…) là công đoạn quan trọng đối với các sản phẩm gia công kim loại và được cho là công đoạn thiết yếu để cải thiện độ bền và khả năng chống ăn mòn của một số sản phẩm.

Nhu cầu nội địa còn thấp

Ở Việt Nam, các lĩnh vực như linh kiện hệ thống truyền động ô tô, xe nâng hàng, máy nông nghiệp, máy xây dựng chưa đủ phát triển, và nhu cầu đối với các sản phẩm cần xử lý nhiệt vẫn còn thấp. Vì vậy, số lượng các công ty xử lý nhiệt ở Việt Nam còn hạn chế.

Hầu hết các công ty xử lý nhiệt ở Việt Nam có lịch sử hàng chục năm, với tiền thân là doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp quân đội, được trang bị đầy đủ trang thiết bị và máy móc để thực hiện các công đoạn từ gia công cơ khí đến xử lý nhiệt và xử lý bề mặt, với chủ trương sản xuất khép kín. Ngoài ra, còn có các doanh nghiệp 100% vốn tư nhân cũng đầu tư vào thiết bị xử lý nhiệt trong nhà máy. Họ chủ trương tự chủ đáp ứng đơn hàng vì số lượng đơn hàng tới nhà cung cấp ít, ảnh hưởng tới giá thành và tiến độ. 

Các doanh nghiệp tiêu biểu của Việt Nam

Các doanh nghiệp tiêu biểu có thể kể đến như Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) cùng các công ty thành viên, Công ty TNHH Một thành viên Động cơ và Máy nông nghiệp miền Nam (SVEAM), Công ty Cổ phần Cơ khí Phổ Yên (FOMECO),Công ty TNHH Cơ khí Mạnh Quang, Công ty Cổ phần Cơ khí chính xác Phúc Anh (PAPM), Công ty Cổ phần Công nghiệp JK Việt Nam…

Có những phương án có thể thay thế cho xử lý nhiệt khi đặt hàng tại Việt Nam

Một quy trình gia công cơ bản có thể được tóm tắt đơn giản như hình sau.

Những khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam

Việc không có được chuỗi cung ứng nội địa hoàn chỉnh (đa số nguyên liệu phải nhập khẩu, nhiều lĩnh vực sản xuất chưa phát triển…) dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp Việt Nam dù có đủ kỹ thuật gia công cũng khó có thể đáp ứng được chỉ định vật liệu, chỉ định xử lý bề mặt theo bản vẽ. Cụ thể:

  • Đa phần công ty nhà nước về gia công cơ khí có các thiết bị được đầu tư từ vài chục năm trước nên hiện tại đa phần đều đã cũ, công nghệ lạc hậu.
  • Vị trí của các nhà máy không có tính liên kết, nhà máy gia công và nhà máy xử lý nhiệt không ở gần nhau.
  • Một số linh kiện gia công theo đơn đặt hàng của khách hàng Nhật có kích thước nhỏ, sau khi gia công lần 1, đem đi xử lý nhiệt thì góc 0 bị nở ra không thể gá đặt lại trên máy gia công. Vì những lý do này làm cho thời gian, chi phí kiểm hàng, gia công lần 2 tăng lên.

Trong 5 năm trở lại đây, số lượng đơn vị làm xử lý nhiệt nở rộ

Trong khoảng 5 năm trở lại đây, số lượng đơn vị xử lý nhiệt địa phương đã tăng lên nhanh chóng và ứng được phần nào nhu cầu của ngành. Yêu cầu chất lượng từ phía khách hàng dường như không còn quá khắt khe như trước đây, giúp các công ty gia công có nhiều sự lựa chọn hơn và các công ty xử lý nhiệt địa phương ngày càng có thị phần lớn hơn trên thị trường, nhờ vào lợi thế về giá cả và thời gian giao hàng.

Cân bằng QCD không chỉ là vấn đề của riêng lĩnh vực xử lý nhiệt, nhưng trong ngành này, có những yếu tố tác động đặc biệt mà nhà mua hàng cần lưu ý khi dự định đặt hàng tại Việt Nam.

Chọn chất lượng hay chọn giá cả

Trong lĩnh vực xử lý nhiệt tại Việt Nam, có hai nhóm chính: nhóm “ưu tiên giá thành” và nhóm “ưu tiên chất lượng”.

  • Các doanh nghiệp Nhật Bản: có quy trình quản lý chất lượng tốt nhưng giá cả cao và thời gian xử lý lâu hơn.
  • Các doanh nghiệp Việt Nam: giá thành thấp hơn nhiều. Đi kèm với giá thành rẻ thì khách hàng cũng sẽ thường xuyên gặp phải các rủi ro như sai độ cứng, biến dạng chi tiết, cơ tính bị thay đổi, chất lượng không ổn định…, và chấp nhận tỷ lệ sai hỏng, sửa lại cao.

Tuy nhiên, sau khi tính tổng cả chi phí xử lý nhiệt và chi phí sửa lại hàng lỗi thì vẫn thấp hơn so với thuê xử lý nhiệt tại công ty Nhật, nên với những đơn hàng không yêu cầu độ khó cao, khách không có chỉ định đơn vị xử lý nhiệt thì nhiều khách hàng vẫn hợp tác cùng công ty Việt Nam.

Cần cân nhắc hình thức hợp tác nếu có yêu cầu đặc biệt về thấm bề mặt

  • Phương pháp tôi thép được phân thành 2 nhóm lớn là tôi thể tích và tôi bề mặt .Nói riêng về tôi bề mặt, đây là kỹ thuật mà ít đơn vị xử lý nhiệt tại Việt Nam có thể đối ứng tốt, đặc biệt là với những yêu cầu cụ thể về độ sâu của lớp thấm.
  • Doanh nghiệp Việt Nam có thể đáp ứng tương đối tốt yêu cầu bản vẽ, nhưng lại khó chủ động được các yếu tố đầu vào như nguyên liệu, thiết bị, dao cụ… nên có thể không đảm bảo được chất lượng sản phẩm. 

Do đó, khi có yêu cầu đặc biệt về thấm bề mặt, người mua nên cân nhắc phân chia việc đặt hàng, có thể đặt gia công thô tại doanh nghiệp Việt Nam, sau đó thực hiện xử lý nhiệt và gia công tinh tại Nhật Bản hoặc doanh nghiệp Nhật Bản để tận dụng được các thế mạnh của mỗi đơn vị. Việt Nam có lợi thế về giá nhân công và giá thành rẻ khi gia công số lượng lớn, trong khi Nhật Bản có trình độ kỹ thuật cao và khả năng gia công tinh, xử lý bề mặt vượt trội.

(Nguồn: NC Network Việt Nam, CNCTech, Pro-Vision, Oristar, KDH)